Ban bố tình trạng khẩn cấp với 5 lò phản ứng hạt nhân
TTO - Hôm nay 12-3, số người chết và mất tích lên 1.800 người trong vụ động đất và sóng thần hiện nay tại Nhật Bản. Nhật đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 5 lò phản ứng hạt nhân, phóng xạ cao gấp 8 lần quanh khu vực nhà máy. Sáng sớm nay lại xảy ra một cơn dư chấn mạnh 6,8 độ richter ở ngoài khơi.
Lửa bốc lên khắp nơi, sóng thần khổng lồ đã khiến nhiều thị trấn bị xóa sổ - Ảnh: Daily Mail |
Các nhà máy ngùn ngụt bốc cháy |
Các chuyên gia điều hành Tổ số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã vật lộn để giảm nhiệt độ và áp suất bên trong lò phản ứng sau khi trận động đất kèm sóng thần khủng khiếp làm mất nguồn điện và làm hỏng máy phát dự phòng, khiến hệ thống làm mát lõi phản ứng cũng dừng hoạt động.
Các chuyên gia trong ngành đánh giá mất khả năng làm mát lõi phản ứng là sự cố thuộc dạng nguy hiểm nhất tại nhà máy điện hạt nhân.
Ngay lập tức, 3.000 người dân ở quanh nhà máy trong phạm vi 3km được lệnh sơ tán khẩn cấp nhưng sau đó vùng sơ tán phải mở rộng đến 10km khi các chuyên gia đo được mức độ phóng xạ cao gấp 8 lần bình thường ở bên ngoài lò phản ứng và gấp 1.000 lần so với thông thường bên trong phòng điều khiển của Tổ số 1.
Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp ở tổ máy của Daiichi - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này.
Nhưng chỉ vài giờ sau đó, Công ty Điện lực Tokyo điều hành nhà máy điện thuộc khu liên hợp Daiichi bao gồm 6 lò phản ứng ở phía đông bắc Nhật Bản, tiếp tục tuyên bố mất khả năng làm mát một lò phản ứng khác ở Daiichi và 3 tổ máy khác ở khu liên hợp Fukushima Daini gần đó.
Tình hình buộc chính phủ mau chóng ban bố tình trạng khẩn cấp ở bốn tổ máy này và gần 14.000 người dân sống gần đó phải đi sơ tán.
Đường phố nứt toác sau động đất - Ảnh: AP |
Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho hay tình hình ở Tổ số 1 của Fukushima Daiichi là tồi tệ nhất, khi áp lực trong lò phản ứng đã tăng gấp đôi bình thường.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay các máy phát chạy dầu diesel lẽ ra có thể giúp hệ thống làm mát vận hành được đã bị sóng thần cuốn nước vào làm ướt sũng và hư hỏng.
Chuyên gia tại Daiichi phải mở van để xả hơi phóng xạ để giảm áp lực bên trong lò phản ứng, khiến mức độ phóng xạ cao hơn bình thường trong và ngoài phòng điều khiển, nhưng nếu không mở, họ sẽ đối mặt với khả năng nổ lò phản ứng gây tác hại rộng lớn hơn.
Các công nhân nhà máy cố gắng hạ nhiệt độ cho lõi phản ứng nhưng không thành công mau chóng như mong đợi. Họ chỉ có thể tạm thời hạ nhiệt bằng một hệ thống dự phòng nhưng nó không hoạt động tốt như hệ thống chính thức.
Ngay cả khi lò phản ứng đã được tự động đóng lại, các phụ phẩm phóng xạ sản sinh nhiệt có thể tạo ra khí hydro, làm tan chảy nhiên liệu phóng xạ hay thậm chí tràn ra khắp phòng chứa.
Mặc dù đã lên kế hoạch chủ ý xả phóng xạ, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho hay nhà máy 40 năm hoạt động này không bị rò rỉ phóng xạ. "Với việc sơ tán dân khẩn cấp và gió hướng ra biển, chúng tôi có thể đảm bảo an toàn cho người dân", ông nói trên truyền hình sáng nay 12-3.
Tiến sĩ Irwin Redlener tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy như thông báo trên chưa gây nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng con người nhưng nó sẽ làm tăng khả năng ung thư tuyến giáp trong thời gian sau đó.
Trong khi đó, độ phóng xạ bên trong nhà máy là ở mức cực cao, có thể gây tác động xấu đến sức khỏe của các nhân viên làm việc trong đó.
Khu liên hợp Daiichi nằm ở thành phố Onahama, cách đông bắc Tokyo 270km. Tổ máy số 1 có công suất 460 megawatt bắt đầu hoạt động năm 1971 và dùng công nghệ lò phản ứng nước sôi, vận hành turbine bằng nước phóng xạ, không giống các lò phản ứng áp lực mới hơn hiện nay.
Quan chức Ippo Maeyama của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã có hàng chục đoàn binh chủng được huấn luyện để đối phó với thảm họa hóa học đã được cử đến nhà máy này làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, các chuyên gia kỹ thuật nói rằng nhà máy sẽ mau chóng ổn định lại mọi vấn đề, thời gian tính bằng giờ chứ không phải bằng ngày.
Đường xá hư hỏng nặng, đất đứt gãy ở Yabuki, đông nam Fukushima - Ảnh: AFP |
Arnold Gundersen, kỹ sư trong ngành điện hạt nhân, đưa ra biện pháp gợi ý các bơm áp lực cao có thể tạm thời làm mát lò phản ứng trong trường hợp này bằng ắc quy dự phòng. "Họ có thể mở - đóng van xả để điều phối áp lực. Ắc quy sẽ hỏng sau vài giờ nhưng thay thế được", ông nói.
Các chuyên gia cho biết nếu nhiệt độ tăng đến hơn 2.000 độ Fahrenheit (1.000 độ C), nó sẽ tạo ra phản ứng làm gãy kim loại zirconium bọc nhiên liệu hạt nhân uranium. Phản ứng này cũng sinh khí hydro có thể gây nổ khi nước lạnh dâng trở lại vào lò phản ứng. Đây là vấn đề của sự cố Three Mile Island năm 1979 ở bang Pennsylvania nước Mỹ.
"Chưa bao giờ kinh hoàng đến thế"
"Chưa bao giờ kinh hoàng như thế", "động đất mạnh chưa từng thấy"... là những nhận xét mà đa số những người vừa trải qua trận động đất 8,9 độ Richter tại miền bắc Nhật Bản thốt lên khi biết mình vừa đối diện với cơn địa chấn lớn nhất trong vòng 140 năm qua ở nước này.
Những người dân Nhật Bản run sợ với trận động đất - Ảnh: Reuters |
Các hành khách đi tàu điện ngầm ở Tokyo hoảng loạn thét lên và nắm tay nhau khi cảm nhận mọi thứ rung lắc liên tục, khiến họ không thể đứng vững. Họ mô tả cảm giác chao đảo giống như bị say sóng.
Những người đi trên đường phố lúc xảy ra động đất nói rằng khi đó giống như họ đang đi trên boong tàu giữa biển khơi. Vô số người dân chạy ùa ra đường và tròn mắt nhìn những tòa nhà cao cả chục tầng lắc như chuông gió trước mặt.
Jeffrey Balanag, sống ở Tokyo, mô tả: "Tòa nhà không rung mà như đang lăn đi, giống như con thuyền đi trên biển vậy. Tôi sởn cả gai ốc và thực sự thấy hoảng loạn". Những người làm việc trong văn phòng vội vàng vơ lấy mũ bảo hiểm và chui xuống gầm bàn để trú ẩn.
Phóng viên Linda Sieg của Reuters cho rằng đây là trận tồi tệ nhất cô đã trải qua kể từ khi tới Nhật Bản 20 năm trước đây. Andrew Stevens, một người Úc làm việc tại Tokyo, mô tả: "Lúc đó, mọi thứ rung lắc rất lâu, phải đến 2-3 phút và sau đó càng ngày càng mạnh hơn. Mạng di động không thể liên lạc được". Nhiều người mô tả đợt rung lắc mạnh nhất phải kéo dài đến 5-10 phút.
Shola Fawehimni, tả lại cảnh ở sân bay tại Hokkaido phía bắc Nhật Bản: "Ghế và sàn nhà bắt đầu di chuyển và lắc lư. Sau đó, cả tòa nhà cũng lắc lư và tôi nhận ra đó là trận động đất thực sự. Các tấm trần nhà rơi xuống lả tả".
Các sân bay, ga tàu điện, trong đó có tàu siêu tốc Shinkansen đang được lệnh ngừng hoạt động.
Dòng nước xoáy cuồn cuồn do sóng thần ở gần cảng Oarai, tỉnh Ibaraki - Ảnh: Kyodo News |
Ở khu vực bờ biển phía đông, sóng thần cao tới 10m đã đẩy những con thuyền lớn bay vào thành phố, làm xe cộ đổ chỏng chơ, thậm chí các tòa nhà lớn cũng bị cuốn phăng giữa dòng nước xiết.
Cô Yumiko Asada làm việc ở văn phòng của hãng tin ABC (Úc) tại Nhật Bản cho biết đã chứng kiến cơn sóng thần cực mạnh còn cuốn theo cả khối lượng lớn sỏi, đá, bùn đất. "Nó nuốt trọn một ngôi làng nằm ngay cạnh sông. Tôi có thể nhìn thấy những cột sóng trùm lấy các thửa ruộng, xe cộ và nhà cửa. Tất cả đều bị cuốn phăng đi và chỉ trong tích tắc, cả thị trấn biến thành gạch vụn".
Vô số ruộng vườn gần thành phố Sendai đã bị phá nát và ngập trong biển nước.
Sóng thần đã khiến khoảng 11.000 người thuộc khu vực Viễn Đông của Nga, trong đó có đảo Kuril tranh chấp với Nhật và đảo Sakhalin, phải đi sơ tán.
Cảnh báo sóng thần vừa được mở rộng tới cả Hawaii và những nước thuộc Thái Bình Dương, bao gồm Úc, New Zealand, Mexico, Trung và Nam Mỹ. Chính quyền Philippines, Đài Loan, Indonesia cũng hối thúc người dân sơ tán vào sâu trong đất liền để tránh sóng thần.
Chính quyền Nhật Bản đã thành lập đội cứu hộ và thủ tướng Naoto Kan cho hay họ sẽ làm mọi thứ để giảm thiểu ảnh hưởng của thảm họa. Mỹ cho biết sẵn sàng cử đoàn cứu hộ đến giúp đỡ Nhật Bản khắc phục hậu quả của thảm họa này.
Vài ngày gần đây, Nhật Bản đã hứng chịu vào trận động đất trung bình, trong đó trận đến 7,3 độ richter hôm 9-3.
PHAN ANH
( Theo tuoitre online )
nguyenthuong.ctxl@gmail.com
0 comments:
Post a Comment