Flash News
bvss CHÂN DUNG ĐỨC HỒNG Y PHANXICÔ XAVIE CHÂN DUNG GIÁM MỤC XUÂN LỘC CHÂN PHƯỚC JOHN PAUL II ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI ĐỨC THÀNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI ĐỨC THÀNH CHA FRANCIS ĐỨC THÁNH CHA FRANCIS I Giao Hội Hoàn Vũ GIÁO HỘI HOÀN VŨ Giao HỘI VIỆT NAM GIÁO HỘI VIỆT NAM Giao Phan Xuân Lộc GIÁO PHẬN XUÂN LỘC GIÁO XỨ CHÍNH TÒA XUÂN LỘC GÓC ẢNH LONG KHÁNH Liên Kết WEBSITE NET Đẹp Quê Hương NÉT ĐẸP QUÊ HƯƠNG NHÌN RA THẾ GIỚI TẤM LÒNG VÀNG THÔNG TIN CÔNG GIÁO THÔNG TIN VATICAN THƯ VIỆN CÔNG GIÁO THƯ VIỆN VIDEO CÔNG GIÁO TRUYỀN HÌNH CTV TRUYỀN THÔNG

Fashion{#d70f81}

Health{#1BAEE0}

Food{#32bba6}

Mail Instagram Pinterest RSS
Mega Menu

TÁC PHẨM đoạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ” TGP SÀI GÒN

  Các tác phẩm Viết Về Cha
 đoạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”

Chiều thứ Bảy, ngày ngày 21/05/2011 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã diễn ra vòng thi thuyết trình cũng chính là vòng thi chung kết Viết Về Cha của cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”. Cuộc thi viết và thuyết trình về cha là một trong những hoạt động của Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn nhằm cổ võ cho tinh thần đạo hiếu, tạo cơ hội để người làm con bộc lộ lòng tri ân, hiếu thảo với các bậc sinh thành, đặc biệt đối với công ơn của người Cha. So với cuộc thi Viết Về mẹ, chủ đề cuộc thi Viết Về Cha dù có thời gian nhận bài dài hơn, nhưng số bài dự thi nhận được lại khá khiêm tốn: 63 tác giả với 76 bài viết gồm 19 bài thơ, 51 bài văn và 6 bài PowerPoint/Video Clip. Tại buổi thi thuyết trình có 17 thí sinh trình bày 19 tác phẩm thuộc 3 thể loại trên, các tác giả đoạt giải Nhất sẽ chia sẻ trong Ngày của Cha.
“Cây cao bóng cả” 
là chủ đề của Chương Trình Mừng Ngày của Cha năm 2011, do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn sẽ tổ chức vào ngày 12/06/2011, tại số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, từ 14g30 đến 19g15, với sự chuẩn bị hết sức công phu, phong phú và đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức (Xin xem chi tiết tại đây)

Dưới đây là các tác phẩm Viết Về Cha đạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”:
I. Thể loại Thơ:

1. Giải Nhất: “Tình Cha” của tác giả Anna Nguyễn Thị Huỳnh, bút hiệu Huỳnh Nhi.

TÌNH CHA

Cây cao bóng cả vươn chồi
Chắn che giông bão suốt đời cho con
---
Băng rừng, vượt biển, lên non
Đem về sự sống ngọt ngon ấm lòng
Nuôi con vun đắp cây trồng
Mầm xanh đứng vững theo dòng thời gian
---
Lớn lên nguyện ước con ngoan
Đức tài ghi khắc toả ngàn tiếng thơm
Dù cho vắt kiệt sức hơn
Cha luôn bấm chịu thoả cơn sóng đời
---
Cốt cho con được nên người
Và mong nhìn thấy nụ cười của con
Lời êm thấm dạy con khôn
Việc hay cha chỉ, gọt mòn mấu sai
---
Đường đời đầy dẫy chông gai
Nương theo chân bước, một mai giúp đời
Nhìn ngay làm thẳng hơn người
Hy sinh khó nhọc cao ngời Tình Cha.
---
Nặng nề khó nhọc cha mang
Để cho con được huy hoàng đời con
Đất trời như xẻ làm đôi
Cha đi vĩnh viễn cha thôi không về.


2. Giải Nhì: “Cha Tôi” của tác giả Giuse Phạm Văn Ninh, bút hiệu Song Ninh.

CHA TÔI

Đã qua rồi những ngày đông giá lạnh
Lầm lũi dáng ba trong đêm tối ảo mờ
Đôi bàn tay buốt nồng cơn gió Bấc
Hạt mưa phùn run rẩy giữa cơn mơ…
---
Tóc cha bạc từ mùa rơm thành khói
Nước sông quê loang đục đón lũ về
Cha trằn trọc từng đêm dài u tối
Xót quặn lòng tỉnh thức giữa cơn mê…
---
Mẹ đi từ mùa hoa cau rụng gốc
Con lớn lên trong nước mắt tủi buồn
Cha ngày ngày bán mặt vào ruộng đất
Mong đến ngày con cái trưởng thành hơn…
---
Sài Gòn ẩm ương giao mùa mưa rồi nắng
Bon chen thị thành chẳng chừa lối cho con
Đêm giật mình bùi ngùi nghe mưa ướt
Nghĩ thương cha nước mắt bỗng khóc dồn…


3. Giải Ba: “Chiếc Bàn Đèn” của tác giả Giuse Nguyễn Huy Thục, bút hiệu Tả Lam.

CHIẾC BÀN ĐÈN

Con chẳng có ấn tượng gì về Cha
ngoài Chiếc Bàn Đèn
Nó được thắp lên
mỗi ngày bảy lượt
Cha đốt đời mình trên ngọn lửa xanh
với những làn khói mang hình hài quỷ dữ
Ôi! Sao thế?
Một cuộc đời, tệ vậy, Cha ơi!
---
Con nghĩ dại rằng mình có thể
Nướng cuộc đời trong Á phiện như cha ông
Bởi ai làm rồi ra người đó chịu
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ sau
---
Nhưng rồi con choàng tỉnh, gạt cơn mê
Lấy đời tu làm giá đỡ cho Bàn đèn
Trong suy tư con tự mình thầm nhủ
Chiếc Bàn Đèn là Thánh Giá Chúa trao ban


Viết tặng người Cha tội lỗi

4. Giải khuyến khích: “Tập Viết” của tác giả Matta Võ Ngọc Bảo Châu, bút hiệu Thiều Châu 

TẬP VIẾT

Nhớ ngày xưa con vào lớp một
Bước ngỡ ngàng sợ lắm ba ơi!
Cô giáo hiền cầm tay con tập viết
Không ! Con chỉ chờ viết với ba thôi!
---
Ngày của ba miệt mài quay quắt
Việc cuốc cày đồng áng nương xanh
Mong giấc ngon đêm tối yên lành
Con kì kèo : Ba ! tập cho con viết!
---
Dẫu mệt nhoài vì nương vì rẫy
Nhưng bàn tay vẫn nắm bàn tay
Con mê say những dòng ngay ngắn
Trong tay ba đen đủi nắng trời
---
Dòng đầu tiên con tự viết thành lời
Là tỏ tình: “Con yêu ba lắm”
Những điểm mười trên giấy hồng tươi thắm
Con một nửa - còn một nửa công ba
---
Ngày tháng qua ký ức chẳng phai mờ
Tấm lòng ba trong vần thơ nét chữ
Vẫn biết rằng bên đời cô lữ
Thiếu một bàn tay uốn nắn gầy gò
---
Con chẳng sợ chi bóng dáng ba nhạt nhòa
Trang vở cuộc đời không ba nâng đỡ
Viết một mình lòng con luôn ghi nhớ
Ba sống hoài trong nét chữ con thơ


5. Giải khuyến khích: “Giàn Mướp của Bố” của tác giả Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, bút hiệu Vũ Thủy.

GIÀN MƯỚP CỦA BỐ 

Giàn mướp nhỏ ngang tầm em với
Lá loăn xoăn hoe nắng ngọt ngào
Đủ che nắng một khoảnh sân chập chõm
Bé nhảy dây chơi góc cuối vườn
Mướp vươn mình đùa vui trong nắng
Những nụ hoa xinh xắn bướm liệng bay
Hoa mướp vàng, bướm vàng bay lúng liếng
Góc vườn quê hớn hở lá reo vui. . .
---
Một buổi sáng, trái mướp dài thon thả
Trả cho đời hương vị của cần lao
Bao công khó bố vun trồng chăm sóc
Em hái lấy những ngọt ngào trong trẻo
Vị đồng quê thơm mát bát canh ngon
Trái mướp non trên giàn đung đưa khẽ
Lẽ ở đời em học sẽ không phai
Khi ăn quả nhớ kẻ dầm sương dãi nắng. 


Nhớ về giàn mướp xưa kia của bố, mỗi sáng được ngắm nhìn những trái mướp đang lớn dần thật là thú vị biết bao. 

II. Thể loại Văn:

1. Giải Nhất: “Cha Tôi” của tác giả Linh mục Phaolô Trương Hoàng Phong, Giáo phận Cần Thơ


CHA TÔI

“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


Từ nhỏ, cha tôi đã bị bệnh. Cha không nói được và cũng không nghe được. Bệnh câm điếc đã vô tình theo cha suốt cả cuộc đời. Mọi người trong gia đình đều thương cha vì cha bệnh tật, lại là đứa con út, là người nhỏ nhất trong nhà. Khi lớn lên, ông bà nội cho cha đi học ở trường Câm Điếc Lái Thiêu. Sau biến cố năm 1975, cha phải trở về với gia đình. Tình cờ, cha gặp mẹ, và hai người đã nên duyên. Gia đình tôi có bốn anh em, một trai và ba gái. Điều lạ lùng là cả bốn anh em chúng tôi không ai mắc bệnh giống cha. Mặc dù cha tôi không nói được và không nghe được nhưng người đã dạy dỗ tôi rất nhiều điều trong cuộc sống.
Cha bị bệnh nhưng tính tình rất điềm tĩnh và bình thản. Rất ít khi tôi thấy cha khó chịu hay bực bội với con cái. Cha sống rất hiền lành. Ngôn ngữ của cha là những cử điệu của hai bàn tay. Cha biết viết. Chữ không đẹp nhưng dễ đọc. Khi người khác không hiểu hoặc khi đi xưng tội, cha thường viết vào giấy để chia sẻ nỗi lòng và nói lên những tâm tình thầm kín của riêng mình. 
Chúa ban cho cha tôi có được sức khoẻ rất tốt, có nhiều khả năng. Người làm việc chân tay rất giỏi. Cha thường làm việc nhà, làm ruộng, và chài cá rất giỏi. Ngoài công việc nhà, cha còn tham gia những công tác của Họ Đạo. Cha làm việc rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm. Có lẽ vì quá vất vả nên bây giờ chân tay của cha đã chai cứng, nứt nẻ. 
Rồi tôi phải đi học xa. Mỗi lần về thăm nhà, cha rất mừng. Người đến bên cạnh và ra dấu hiệu bằng tay để hỏi tôi được nghỉ học bao nhiêu ngày. Đến lúc trở lại trường, cha luôn ra hiệu cho mẹ lấy tiền cho tôi. Lần nào, cha cũng làm như thế. Có khi hai cha con chỉ nhìn nhau mà không biết nói gì, không biết tâm sự như thế nào, vì cha con tôi chỉ có thể hiểu ý nhau trong những chuyện đơn giản và thực tế mà thôi. Khi biết tôi muốn đi tu, cha rất ủng hộ. Ngày tôi được thụ phong linh mục, cha rất vui và hạnh phúc!
Bất ngờ, mẹ tôi bệnh nặng, phải vô hoá chất để điều trị. Thuốc làm mẹ rụng tóc và đau đớn. Về thăm mẹ, tôi thấy cha rất buồn và lo lắng. Các em kể lại: cha ra dấu là đừng đi bệnh viện nữa, vì đi nên mới rụng tóc và mệt mỏi như thế. Tự nhiên, lòng tôi đau nhói. Hai mắt cay xè. Tôi vội đi nơi khác để cố nén cảm xúc của mình. Lúc đó, tôi thương mẹ và thông cảm cho cha. Tôi phải nói như thế nào để cho cha hiểu được bệnh tình của mẹ đây? Sau một thời gian điều trị, Chúa thương cho mẹ tôi được bớt bệnh. Gia đình tôi rất vui. Nhưng không bao lâu, em gái tôi lại phát bệnh khá nặng, phải chạy chữa nhiều nơi, tốn nhiều tiền nhưng không thoát được thần chết. Em ra đi lúc còn rất trẻ, để lại cho chồng hai đứa con còn nhỏ dại. Khi đó gia đình tôi rất buồn, đặc biệt tôi thấy cha tôi khóc rất nhiều. Cha rất đau khổ vì mất đi đứa con gái thân yêu. 
Cha tôi như thế đó! Người không nói được, không nghe được, nhưng tâm hồn lại dạt dào tình cảm. Cha thường biểu lộ tình thương bằng hành động, không cần lời nói. Cha luôn lo lắng cho gia đình, cho con cái. Cha bị bệnh phần xác nhưng tâm hồn rất mạnh khoẻ. Con tim của cha luôn chan hoà hơi ấm tình yêu. 
“Cám ơn Chúa đã ban cho con một người cha như thế! Cám ơn cha đã yêu thương và chăm sóc cho anh em chúng con.” Thỉnh thoảng khi có dịp về thăm gia đình, tôi thấy cha gầy hơn và yếu hơn. Thấy cha già nên lòng tôi cũng ngậm ngùi, lo lắng. Nguyện xin Chúa thương ban cho cha được nhiều sức khoẻ và bình an trong cuộc sống!

2. Giải Nhì: “Cho Con Một Lý Do Đi Ba!” của tác giả Maria Nguyễn Hoàng Phương Khanh, bút hiệu Bình Minh.

CHO CON MỘT LÝ DO ĐI, BA!


Đã từ lâu lắm rồi, tôi không có ý niệm gì về hình ảnh người cha, tất cả đã được chôn chặt trong quá khứ. Chẳng muốn khơi gợi nhưng sao hôm nay bỗng dưng quá khứ chẳng mấy gì tốt đẹp ấy chợt ùa về trong tôi. Nhắc đến cha, có lẽ trong tâm tưởng của nhiều người, cha là hình ảnh của cây tùng, cây bách; yêu thương, che chở và là chỗ dựa vững chắc. Tôi cũng nhớ đến cha nhưng với một cảm xúc khác. Với vị thế là một người con, tôi viết lên những dòng này đây thật sự chẳng để trách cứ ba; chỉ mong được gửi gắm chút thông điệp đến những người đang và sẽ làm cha: “Trước khi làm điều gì, xin hãy dừng lại một chút suy nghĩ để đừng gây đổ vỡ một mái ấm gia đình, để lại vết thương lòng ít ra là cho những đứa con…”
Tuổi thơ tôi là những ký ức buồn, những kỷ niệm về cha khá mờ nhạt. Năm tôi lên bốn, ba mẹ tôi chia tay. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chưa đủ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi chỉ biết ba mẹ tôi không còn sống chung với nhau nữa. Tuy rất đau lòng nhưng dường như ba mẹ tôi chia tay nhau khá “nhẹ nhàng”, không giằng co, không day dứt, không níu kéo. Có thể nói là một cuộc chia tay trong hoà bình. Mẹ dẫn tôi về nhà ngoại. Ban đầu, mọi thứ còn mới mẻ, lạ lẫm. Sau vài tháng, tôi dần quen với môi trường mới nên tất cả cũng trở nên ổn định.
Những tưởng cuộc sống như thế êm đềm trôi, thì bất chợt một ngày ba tôi qua nhà ngoại dắt tôi về. Dù gì đi nữa thì cũng là tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay, cùng với mong muốn tốt đẹp cho tương lai của tôi, thế là gia đình tôi giảng hoà sau một thời gian đường ai nấy đi. Nhưng có lẽ đây là bước khởi đầu cho sự xáo trộn mới của cuộc sống.
Nếu câu chuyện kết thúc ở đây thì quả là một câu chuyện cổ tích với một kết thúc có hậu, tôi lại có ba và mái ấm gia đình lại được hàn gắn. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không bằng phẳng và bình yên như thế. Hạnh phúc một lần nữa vuột khỏi tầm tay, đến rồi đi, có rồi không, dường như chỉ là một tuồng ảo hoá. Cho đến một ngày “lịch sử lặp lại”, sóng gió lại ập đến với gia đình tôi nhưng lần này nó nặng nề hơn rất nhiều, không hề “nhẹ nhàng” như trước bởi lẽ vết thương lòng của ngày xưa lại được khơi gợi. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều, khóc hết nước mắt, chỉ mong sao ba tôi suy nghĩ lại để mọi chuyện đừng xảy ra như ngày xưa nữa, nhưng vô ích! Ba tôi đã ra đi, sự ra đi không chút luyến lưu, không chút bận lòng! Tôi biết lúc này đây, mẹ tôi đã chạm đến tận cùng của nỗi đau…
Tựa như một giấc chiêm bao, tự hỏi lòng điều gì đang xảy ra. Ba ơi, ba mong con ra đời mà, sao lại nỡ bỏ con mà đi như vậy? Hụt hẫng, trống rỗng! Không lẽ mọi sự gầy dựng bấy lâu nay giờ chỉ được kết thúc bằng một chữ ký thôi sao? Đơn giản đấy, nhưng cũng thật xót xa dường nào! Bao nhiêu câu hỏi trong tôi nhưng nào có câu trả lời. Khóc như chưa bao giờ được khóc, đêm nào nước mắt mẹ cũng tuôn trào, chờ mong tiếng xe của ba đi làm về nhưng vô vọng. Âm thanh thân thương này giờ chỉ còn đâu đó trong kỷ niệm, trong dĩ vãng xa xôi. Sự thật phũ phàng đằng sau những điều tưởng chừng như tốt đẹp bấy lâu nay, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu thấu được nỗi đau quá lớn này! Có lẽ trong những mất mát của con người, mất người thân là nỗi đau lớn nhất. Chông chênh, đau đớn và cả mất phương hướng là cảm xúc của những người ở lại. Vượt qua điều này quả không dễ dàng chút nào. Đêm chập chờn, ngày thức giấc cố đối diện với thực tế, cố kiềm nén cảm xúc, nhưng mỗi khi ai nhắc đến ba thì mẹ tôi lại nghẹn ngào. Mặc dù không muốn thế nhưng sao nước mắt vẫn cứ rơi…
Nhưng rồi, thời gian vẫn là phương thuốc chữa lành vết thương lòng hữu hiệu nhất. Lâu dần, khái niệm về cha trở thành dĩ vãng để có ai đó nhắc đến, tôi cũng có thể bình thản với thực tại: Tôi không có cha! Bất kể trái tim có tan vỡ, cuộc sống cũng sẽ chẳng dừng lại và vẫn vô tình, quy luật cuộc sống là thế. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ con tôi tiếp tục sống. Người ta thường nói: “Con không cha như nhà không nóc”. Quả thế, một mình mẹ tôi gánh cả trách nhiệm của một người cha. Tất cả mọi thứ do một tay mẹ quán xuyến với bao khó khăn chồng chất. Dần dần, cuộc sống cũng đi vào quỹ đạo vốn có của nó. Mẹ là người duy nhất thương yêu, dạy dỗ và đồng hành cùng tôi trong từng chặng đường mà tôi đi qua: Cấp hai, cấp ba cho đến giảng đường đại học… Mẹ cho tôi sự mạnh mẽ, phải sống thật kiên cường, kiên cường như loài cỏ dại để có thể đón nhận hạnh phúc lẫn khổ đau một cách nhẹ nhàng nhất.
Nhớ những lần ba tôi “ghé” qua dúi vào tay tôi khoản tiền trợ cấp, may mắn thì hỏi thăm vài câu qua loa rồi vụt đi. Tôi thoáng buồn và chạnh lòng! Tiền thì cũng cần cho cuộc sống đấy, nhưng đối với tôi lúc này, tiền sao bạc quá! Lẽ ra, ba có thể cho con nhiều hơn thế nữa mà. Ôi! Con thuyền gia đình tôi ngày nào với người chèo, người lái, giờ thì mỗi nơi một mảnh. Ba ơi, có day dứt, hối tiếc điều gì không hả ba, dù chỉ là một chút? Nước mắt như đã cạn, thoáng nghĩ, một chút buồn, để rồi cũng xếp vào trong ký ức mà thôi. 
Một tương lai tươi sáng chỉ có thể đứng lên trên một quá khứ đã lãng quên. Cuộc sống thăng trầm với những thử thách, chông gai tưởng chừng như bế tắc không thể vượt qua; nhưng cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã đến, mọi thứ cũng đâu vào đấy. Nếu không có những biến cố đó, không có sự mất mát đó làm sao trui rèn cho tôi nghị lực, sự mạnh mẽ, làm sao tôi có thể vượt lên chính mình? 
Tôi thầm cảm tạ Chúa! Tôi tin vào Tình Yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, tôi tin Ngài sẽ không để tôi quỵ ngã.

3. Giải Ba: “Bao La Tình Cha” của tác giả Maria Nguyễn Nữ Thùy Dương 

BAO LA TÌNH CHA


“Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha” 


Câu nói này tôi đã được nghe nhiều nhưng tôi chỉ thật sự cảm nghiệm ý nghĩa của nó khi tôi rời xa mái ấm gia đình, xa ba mẹ, xa các em để bước vào một cuộc sống mới nơi thành thị xa lạ. 
Nơi khung trời mới này cuộc sống với nhiều tranh chấp, bon chen khiến tôi thèm khát tình cảm gia đình, những mơ ước về một mái ấm có ba mẹ cứ ùa về trong tâm trí tôi. Tôi chợt nghĩ về ba tôi- người đã dạy cho tôi cách sống bao dung không bằng lời nói nhưng bằng hành động, và đặc biệt là bằng một niềm tin tuyệt đối vào Mẹ Maria.
Lúc nhỏ tôi luôn nghĩ ba là một người khó tính, nghiêm khắc, lạnh lùng. Chính vì lúc nào cũng suy nghĩ về ba mình như vậy nên tôi không bao giờ nói chuyện thân mật với ông. Tôi luôn coi việc ông vất vả lao nhọc lo cho chúng tôi là quy luật, là lẽ tất nhiên nên tôi không chút mảy may xúc động mỗi khi thấy ông bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng ra ruộng, chứ nhất định không chịu nghỉ ngơi.
Tôi luôn trách ba tôi “khờ” mỗi khi thấy ông vất vả lo giấy tờ không công cho người ta, việc nhà không lo cứ lo việc thiên hạ! (mà thực ra ba tôi đâu có bỏ bê việc nhà). Những lúc nghe tôi trách móc ba tôi vẫn chỉ đáp lại bằng điệp khúc: “Sau này con sẽ hiểu, ba làm tất cả chỉ vì các con mà thôi!”
Ba tôi gia nhập quân đội từ khi còn rất trẻ, chiến tranh đã cướp đi của ba tôi một con mắt, và mỗi khi “trái gió trở trời” là ba tôi lại bị những cơn đau nhức do vết thương từ chiến tranh hành hạ.
Vì thương tật như vậy nên ba tôi được lãnh lương dành cho thương binh hằng tháng, thế nhưng mỗi khi lãnh lương, thay vì mua đồ bồi dưỡng cho mình ba dành tất cả để mua sắm cho chúng tôi, ông luôn nói: “Ba ăn gì cũng được chỉ cần nhìn các con vui là đủ rồi!” Không chỉ lo cho chúng tôi về thể xác, mỗi ngày ông đều “bắt” chúng tôi dự lễ Misa và quãng đường đi bộ từ nhà tôi đến nhà thờ là giờ “huấn đức” của ba tôi (hồi đó tôi thấy rất khó chịu và muốn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở đạo đức của ba tôi nhưng sau này nghĩ lại tôi thấy những lời dạy dỗ mà tôi cho là chói tai đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều). 
Ba tôi thương con là vậy, nhưng cách ông giáo dục chúng tôi cũng thật “kinh khủng”, tôi luôn bị ám ảnh về những roi đòn mà ông giáng xuống mỗi khi chúng tôi sai phạm, những lúc đó tôi quên sạch những điều tốt ông đã làm cho chúng tôi, tôi đã thầm ước tôi có một người cha hiền lành hơn, yêu thương chúng tôi nhiều hơn. Tôi cứ luôn nghĩ ba không hề thương chúng tôi - nếu thương thì đâu thể “ra tay” với chúng tôi mạnh như thế?!?
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ ấy cho đến một ngày, ngày tôi bỏ nhà ra đi. Lang thang phiêu bạt hết nhà đứa bạn này đến đứa khác, vài ngày đầu bọn bạn còn tiếp rước, đến bốn năm hôm sau, đứa nào cũng tỏ ra khó chịu! Tôi biết vậy nên cố tìm việc làm để tự nuôi thân, nhưng tìm việc không đơn giản như tôi nghĩ, công việc tôi cảm thấy thích hợp thì lương không đủ sống; còn công việc mang lại cho tôi món tiền kha khá đủ trang trải thì tôi lại không đủ khả năng để làm. Thất vọng. Chán nản. Tôi nghĩ đến việc khấn xin Đức Mẹ cho tôi đủ can đảm trở về (lòng sùng kính Đức Mẹ đã được ba tôi gieo vào lòng chúng tôi từ bé tí nên dù hư hỏng, tôi cũng không quên Mẹ). Sau nhiều ngày suy nghĩ cầu nguyện, tôi liều gọi điện thoại về nhà, lòng hồi hộp khi giọng nói đầu dây bên kia cất lên! Nhận ra tiếng ba, tôi khẽ nói: “Con đây, Ba!” Tôi tưởng tượng ông sẽ cho tôi một “bài trường ca”, không ngờ ông chỉ đáp ngắn gọn: “Đọc địa chỉ nơi ở đi!” Trên đường chở tôi về, ông cũng không hề cất lên nửa lời. Sự im lặng của ông khiến tôi ngạc nhiên vô cùng!
Sáng hôm sau, để cám ơn Đức Mẹ , tôi xách nước lau lại bức tượng Mẹ, tình cờ tôi phát hiện một hộp thư được đặt dưới chân Đức Mẹ, tò mò tôi mở ra xem: Là nét chữ của ba! “Mẹ Maria ơi, con rất buồn vì đã không chu toàn trách nhiệm của một người cha, con đã không biết cách thể hiện tình yêu của con đến các con của con khiến chúng phải phiền lòng. Dù phải đánh đổi bất cứ điều gì cũng được, con chỉ xin Mẹ gìn giữ, đưa con của con trở về nhà bình yên. Xin Mẹ soi sáng để con của con biết rằng: lòng con cũng đau lắm sau mỗi lần sửa phạt con cái! Không biết những ngày con của con rời xa gia đình nó có được một chỗ nghỉ ngơi, có ai cho nó ăn uống hay phải lang thang như trẻ bụi đời. Càng nghĩ con càng thấy thương con của con và buồn cho cách giáo dục con cái của con. Mẹ ơi, Mẹ cứ trút hết những đau khổ mà con của con đang chịu lên người con… ” Tôi không thể đọc đến cuối vì nét chữ đã nhòe đi bởi những giọt nước mắt rơi tự do từ khóe mắt tôi. Thì ra tôi đã hiểu lầm ba! Gấp mẩu giấy lại đặt vào hộp thư (tôi gọi là hộp thư vì trong đó ba tôi viết rất nhiều), tôi chạy đi tìm ba. Hôm đó, không biết sức mạnh từ đâu mà tôi đã có thể chạy một đoạn đường dài từ nhà tôi tới ruộng lúa nơi ba đang làm. Tôi ôm chầm lấy ba và khóc, khóc thật nhiều! Trong tiếng nấc nghẹn, tôi nói với ba tôi: “Ba ơi, con sai rồi!” Ba vỗ nhẹ vào vai tôi, nhìn vào mắt ông, tôi thấy mắt ông ướt nhòe - lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba tôi khóc! Khoảng thời gian sau đó là thời gian hạnh phúc nhất nhưng cũng ngắn ngủi nhất của tôi trong gia đình. Chỉ đúng một tháng sau ngày tôi “làm hòa” với ba tôi là tôi đã phải khăn gói lên Thành phố để bắt đầu tương lai mới, không còn cơ hội để ở bên chăm sóc ba nữa! Ngày tôi lên đường, ba với đôi mắt buồn, tiễn tôi lên đường kèm theo lời nhằn nhủ ngắn gọn: “Ráng sống cho xứng là một CON NGƯỜI và nhớ không quên ĐỨC MẸ nghen con!”
Giờ đây, giữa sóng gió cuộc đời tôi luôn nhớ về ba, nhớ những lời khuyên dạy của ba và đó chính là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống. 
Cảm ơn Ba, cảm ơn vì cách sống của Ba, cảm ơn vì “Ba đã làm tất cả chỉ vì chúng con mà thôi!”

4. Giải Ba: “Nỗi Lòng của Ba” của tác giả Lê Đăng Khoa

NỖI LÒNG CỦA BA


Do chiến tranh nên Ba tôi phải rời xa gia đình ở Huế trôi dạt vào miền Tây sông nước sinh sống. Những năm sau giải phóng, miền Tây đìu hiu, xơ xác. Nơi đất khách quê người, một mình Ba đơn độc tìm kế sinh nhai. Ba tôi xin vào làm cho một chủ lò mía đường tại Vĩnh Long. Nhờ tính tình hiền lành, cần cù, siêng năng và thông minh nên Ba được ông chủ nhận làm con nuôi, dạy cho cách kết đường cát trắng và đứng quản lý lò đường.
Tại đây, Ba vừa làm vừa dạy chữ và dạy võ cho các con của gia đình này. Hồi ấy Ba là thần tượng của họ. Mọi người đều khen Ba là người toàn vẹn, văn võ song toàn. Có lẽ Vĩnh Long là quê hương thứ hai của Ba tôi, vì nơi đây, Ba gặp Mẹ! Hai người lấy nhau. Bên gia đình Mẹ tôi nghèo lắm, lại con đông. Tài sản ra riêng của Ba và Mẹ là một chiếc ghe nhỏ. Khó khăn ngày càng chồng chất khi ba chị em tôi lần lượt ra đời. Thời phát động kinh tế mới, Vĩnh Long không làm lò mía đường mà chuyển sang kinh doanh lương thực. Vốn là là thợ kết đường nên Ba tôi thất nghiệp. Gia đình tôi sống trên một chiếc ghe nhỏ lênh đênh như đám lục bình trên sông, không biết trôi dạt về đâu! Tha phương cầu thực vài năm, khi chúng tôi lớn lên cần phải đi học nên Ba tôi quyết định dời gia đình về huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu lập nghiệp. Hồng Dân của hai mươi năm về trước là một vùng đất hẻo lánh không người, nước mặn, đất phèn. Nơi đây, gia đình tôi được một người bác thương tình cho ở tạm một căn chòi nhỏ. Tội cho Ba lắm, một mình Ba phải làm để nuôi cả gia đình. Tôi còn nhớ như in, một đêm mưa rất to, căn chòi bị dột nát, Ba phải đứng căng tấm cao su che cho vợ và các con ngủ suốt đêm… Cuộc sống tuy vất vả, khó khăn, nghèo khổ nhưng gia đình tôi luôn đầy ấp tiếng cười và hạnh phúc! Ngày mà chị em tôi được đi học, gánh nặng ngày càng đè nặng lên đôi vai đã chai sạm vì năm tháng của Ba. Do sức khỏe có hạn nên Mẹ chỉ giúp Ba lo cơm nước và chăm sóc con hằng ngày. Trong tâm trí của chị em tôi, Ba luôn là một hiền phụ. Ba vừa làm kiếm tiền nuôi gia đình, vừa dạy chị em tôi học. Ba là người thầy đầu tiên dạy chị em tôi viết chữ. Để bù đắp lại công ơn Ba Mẹ, chúng tôi đều ngoan và học rất giỏi. Có những lúc gần như cả gia đình phải gục ngã, nhưng với ý chí và sự cần cù, chịu khó của một dân xứ Huế, Ba đã vực kéo gia đình đứng dậy. Một năm gia đình tôi phải di dời chỗ ở đến năm hoặc sáu lần. Do ở đậu, ở nhờ nên người ta muốn đuổi lúc nào cũng được. Rồi cộng thêm các lò mía đường nơi Ba đang làm chuyển sang kinh doanh xay xát lúa gạo nên Ba lại thất nghiệp. Lúc đó, chị em tôi định nghỉ học để nhẹ bớt gánh nặng nhưng Ba không chấp nhận. Ba nói: “Nhà mình tuy nghèo, nhưng các con thấy đó, do Ba học giỏi nên vẫn nuôi và cho các con đi học đến bây giờ. Vì thế, hãy xem Ba là tấm gương mà cố gắng học. Sau này các con sẽ có cuộc sống tốt hơn”.
Những năm chị em tôi học đại học phải sống xa nhà thì kinh tế gia đình tôi thức sự kiệt quệ. Ba và Mẹ phải ra chợ bán trái cây kiếm tiền mà gửi cho chúng tôi ăn học. Ba tôi giỏi lắm! Cả ngày ngồi ngoài chợ bán hàng, tối về Ba nhận dạy kèm môn Toán, Lý tại nhà. Sở dĩ như thế vì Ba không muốn quên kiến thức phổ thông và mong muốn kiếm thêm ít tiền để lo cho chúng tôi tốt hơn. Hằng ngày, Ba phải xâu từng chùm nhãn, chùm chôm chôm để bán. Công việc đó thường đòi hỏi sự tỉ mỉ của người phụ nữ nhưng Ba vẫn làm một cách chuyên nghiệp. Ba tôi là thế đó. Bất cứ công việc nào cũng làm được.
Nhưng có lẽ điều làm cho Ba tôi khổ tâm và nhiều đêm mất ngủ là nỗi lòng của một người con xa xứ, luôn ngóng trông về xứ Huế - nơi đó có Ba Mẹ và các em của mình. Không biết mọi người ra sao nữa, còn sống hay đã mất hết tất cả vì chiến tranh?!? Rất nhiều câu hỏi cứ luôn luôn hiện trong đầu, tra tấn Ba hằng ngày như thế. Tâm trạng đó cứ lớn dần lên theo năm tháng, nó như một cục bướu đeo mãi mãi theo Ba suốt cuộc đời. Các bạn biết đấy, dân xứ Huế rất nặng về tình cảm gia đình. Cứ mỗi đợt xuân về, đêm giao thừa là lúc Ba tôi nhớ quê hương da diết. Trong giây phút thiêng liêng này Ba luôn cầu nguyện cho gia đình ở Huế được bình an:
“Đêm đón giao thừa xứ Hồng Dân
Chợt buồn nhớ Huế dạ bâng khuâng
Ba mươi năm lẻ chưa về được
Bạn lòng ơi hỡi biết cho chăng…”

Vâng, ba mươi bảy năm, tin tức nơi quê hương gần như đã hết hy vọng! Không phải Ba không muốn tìm lại cội nguồn, bởi vì nhà nghèo quá, thêm việc nuôi chúng tôi ăn học nên không có tiền để tìm lại quê hương.
Ngày chị em tôi tốt nghiệp ra trường cũng là ngày Ba, Mẹ hạnh phúc nhất. Chúng tôi hẹn với lòng sẽ ra Huế tìm lại quê Nội thân yêu để làm món quà dâng tặng Ba. Đây cũng là nỗi lòng và nguyện vọng cuối đời của ba tôi. 
Đúng ngày 01 tháng 03 năm 2011, có lẽ nhờ ơn Chúa, em gái tôi làm bên hướng dẫn viên du lịch đã tìm gặp gia đình của Ba tôi ngoài Huế. Tin tức mà ba mươi bảy năm Ba và gia đình luôn mong đợi. Nó như sét đánh, làm gia đình tôi hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng. Không kiềm chế được mình, Ba tôi đã bật khóc khi nói chuyện với các em ruột của mình qua điện thoại. Nước mắt của niềm vui, nước mắt của hy vọng, nước mắt của đứa con phải cách xa gia đình trong một khoảng thời gian dài tuyệt vọng, nước mắt của đứa con tội lỗi phải để cho song thân luôn ngóng chờ, nước mắt của đứa con bất hiếu khi hay tin mẫu thân đã qua đời... cứ tuôn trào, tuôn trào! Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy Ba khóc và khóc nhiều như thế. Tôi thương Ba vô cùng!

5. Giải khuyến khích: “Nhớ Về Bố” của tác giả Maria Hoàng Thị Hồng Lam, bút hiệu Hoàng Lam

NHỚ VỀ BỐ


Thấm thoát đã bốn năm trôi, con vẫn chưa tin là Bố xa con. Bởi trong tiềm thức của con, hình ảnh Bố vẫn nguyên vẹn, Bố đang sống và dõi theo từng bước con đi. Vui với niềm vui của con và buồn với nỗi buồn của con. Con yêu Bố! Bố chính là người tuyệt vời nhất trên cõi đời này.
Mẹ mất khi con lên sáu. Thương đứa con thơ dại đã phải thiếu vắng tình mẫu tử, Bố đã bù đắp tình thương người Bố và Mẹ cho con. Con luôn tự hào về Bố. Là tổng giám đốc công ty, suốt ngày chỉ biết giấy tờ, sổ sách, máy móc… Thế nhưng, Mẹ mất, Bố đã phải “một vai hai gánh”, nhưng đã làm tốt hơn ai hết nhiệm vụ của mình mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ ở công ty. Con đã được đón nhận từ Bố tất cả tình thương và sự chăm sóc tận tình. Bố đã rất nhạy cảm với những thay đổi trong con dù rất nhỏ. Một tiếng ho, Bố biết con đang mệt. Một giọt nước mắt, Bố biết con đang buồn. Bố săn sóc con trong từng bữa ăn và giấc ngủ. Không những thế, Bố như là vị thần linh chữa trị căn bệnh tinh thần mỗi lúc con bất an. Ngày đó, con chưa cảm nhận được Bố đau lòng thế nào khi phải chấp nhận mất đi nửa bên kia đời mình. Con đã hỏi Bố: “Mẹ đi đâu lâu thế? Mẹ không về, con không ăn và ngủ đâu!” Bố động viên con, bế con trên tay như đứa trẻ lên ba, không trả lời, không trách mắng… Bố chỉ nói: “Rồi Mẹ sẽ về với Con!” 
Bốn anh em đang học. Các anh chị học xa nên ở trọ, con học gần nên ở nhà bới Bố. Bố thương chúng con lắm, đặc biệt là con! Ai cũng khen Bố là người cha tốt hiếm có. Tuy còn nhỏ, nhưng con cảm nhận được Bố hy sinh vì con nhiều lắm! Thế nhưng, Bố lại nói rằng chỉ mới được một phần thôi, Bố không thể bù đắp sự mất mát quá lớn của con. Bố làm việc cách nhà 75km, thế mà 3 giờ 30 Bố đã dậy chuẩn bị và gần 7 giờ tối Bố mới về. Lúc con thức dậy, mọi thứ đã đâu ra đấy: thức ăn, quần áo, sách vở, với một mảnh giấy nhỏ đầu gường: “Con gái ngoan của Bố, ăn cơm rồi đi học, tối Bố về với con!” Nhìn thấy Bố quá vất vả, nhiều người trong công ty khuyên Bố chuyển nhà đến gần công ty, nhưng Bố không đồng ý. Vì Bố không muốn xa căn nhà hạnh phúc của gia đình ta, và Bố còn phải thay Mẹ chăm sóc Ông Ngoại nữa. Thứ bảy và chủ nhật, Bố được nghỉ làm, nhưng Bố vẫn dậy sớm để dọn nhà và để có nhiều thời gian cho con, hai bố con đã đến thăm Ông và giúp Ông dọn nhà, ở lại ăn cơm để động viên Ông. Sau đó, câu quen thuộc mà hầu như tuần nào Bố cũng hỏi Con: “Con muốn đi đâu? Làm gì? Ăn gì?...” Con trả lời chỉ muốn ở bên Bố thôi, mắt Bố đỏ và ngân ngấn dòng lệ. Bố ôm con vào lòng và hôn con âu yếm. Dường như giọt nước mắt và nụ hôn của Bố, là khung trời tình thương bao phủ con, lòng con tràn ngập hạnh phúc. Con vui quá Bố ơi, phản ứng của con thật tự nhiên nhưng như có một sức mạnh vô hình nào thúc đẩy con, con ôm Bố chặt hơn và hôn mạnh lên gò má gầy của Bố.
Ngày tháng qua đi, Bố bận rộn với việc công. Con cũng gần như phủ kín thời gian bởi nhũng buổi học chính và ngoại khóa. Nhưng dù bận thế nào chăng nữa, Bố vẫn dành thời gian cho con, cho anh chị và làng xóm xung quanh. Vì ít có thời gian nên Bố đã nhờ cô giáo theo sát con hơn, những người xung quanh có thêm nhiệm vụ với con vì Bố nhờ. Với con, Bố mua sách tham khảo như: Những điều cần biết về tâm sinh lí, Kim chỉ nam cho học sinh… và động viên con đọc, Bố dành thời gian để tâm sự và lắng nghe con. Đáp lại những mong muốn của Bố, con đã cố gắng đọc sách và tập làm việc nhà. Bố ơi, hình ảnh Bố đang trong tim con, Bố chưa già mà tóc Bố bạc và sức khỏe giảm nhiều, bởi qua nhiều công việc Bố phải làm và nỗi lo Bố phải gánh. Hình như Bố sinh ra để làm việc và phục vụ chúng con. Từ khi Mẹ ngã bệnh đến khi Mẹ mất, ít khi con thấy Bố cười và có thời gian dành cho mình. Ngày Bố ốm, Bố không nằm mà vẫn đi làm, con thấy khuôn mặt Bố mệt mỏi, phờ phạc khác hẳn mọi ngày. Biết thế, nhưng con chưa làm gì để động viên, chăm sóc Bố. Bố không buồn con, mà vẫn một mực sống vì con, Bố đã cố gắng hết sức để con có được nụ cười và bằng bạn bè...
Ngày con đi học xa nhà, Bố đã chuẩn bị những thứ cần thiết và căn dặn con nhiều điều. Con nhớ mãi lời dặn: “Con ơi, nhớ giữ gìn sức khỏe, Bố sẽ rất nhớ con!” Lúc đó, con không dám nhìn thẳng vào mắt Bố. Ngày nào, Bố cũng gọi điện cho con, bởi trong Bố, con chưa đủ trưởng thành để Bố phó mặc tự con lo lấy. Cứ mỗi cuối tuần, tan học, con đã thấy Bố đến chờ con từ lúc nào để đón con về. Về đến nhà, Bố luôn nhắc nhở con vào chào Mẹ. Dường như từ món ăn cho đến câu chuyện, Bố cũng chuẩn bị để đem lại niềm vui cho con. Bố đã nuôi con lớn không chỉ bằng lương thực hằng ngày, mà bằng cả trái tim và sự hy sinh của Bố. Con cảm nhận được con là người hạnh phúc nhất trên đời vì con có Bố. Con đang tự tin để bước vào đời, sánh vai cùng bạn bè và chuẩn bị cho tương lai. 
Thế nhưng, niềm hạnh phúc mà con tưởng chừng như sẽ không bao giờ mất ấy, lại không được bao nhiêu! Khi mà năm mới đến gõ cửa mọi nhà, mọi người vui vẻ với tiếng nói cười rộn ràng, thì với con lại là điều kinh hoàng, khủng khiếp vì Bố đã không thức dậy như thường lệ. Con lay mạnh người Bố, thét lên, nước mắt giàn giụa… Nhưng tất cả đều vô vọng, Bố không mở mắt, không nói gì nữa. Bố ơi! Bố đã vĩnh viễn xa con lúc nào trong đêm mà con không biết. Con không tin và không muốn tin sự thật phũ phàng này. Trái đất ngừng xoay, mọi thứ sụp đổ tan tành, tim con đau nhói, chân tay run rẩy, miệng không gọi Bố nữa… Tỉnh dậy, con không tin những gì đang xảy ra trước mắt, một lần nữa con lại “lực bất tòng tâm” khi phải xa người thân. Con lại phủ lên đầu mình chiếc khăn trắng của sự tang thương. Con sợ màu trắng này lắm, Bố ơi!
Giờ đây, con đang bước đi trên con đường mà con đã chọn, nhưng không có Bố! Con muốn gửi tới Bố lời cảm ơn từ tận đáy lòng con: “Bố ơi, con yêu và nhớ Bố nhiều lắm, dù không có Bố hiện diện hữu hình bên con, nhưng Con tin ở phương trời xa Bố vẫn đang nhìn và bên con. Con sẽ cố gắng sống tốt để là con của Bố. Không ai sinh ra không bởi một người Bố! Con muốn gửi tới những ai đang còn Bố: Hãy cố gắng những gì có thể, hãy thực lòng yêu và kính trọng Bố… Để không như con, giờ con muốn làm một điều cho Bố cũng không thể, dù con muốn một giây bên Bố cũng không còn nữa. Con khao khát lắm nhưng giờ không thể, Bố ơi!”
Con của Bố, 

6. Giải khuyến khích: “Chút Hồi Ức Về Tuổi Thơ” của tác giả Maria Trương Thị Kim Thanh 

CHÚT HỒI ỨC VỀ TUỔI THƠ


Tôi lớn lên với đất quê ruộng vườn nên kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với đồng lúa ngô khoai. Mái nhà tranh vách tre nằm bên con đường làng, cạnh luỹ tre xanh, dưới chân núi, nơi có con sông Bồ lượn quanh, là hình ảnh tôi dán trên những trang đầu của cuốn album cuộc đời. Bởi thế, nó chìm sâu trong tâm khảm tôi.
Những hình ảnh đó gợi lên trong tâm hồn tôi về một cuộc sống yên bình, dân dã tại chốn quê nhà. Thế nhưng, tuổi thơ của tôi đã đi qua có biết bao kỷ niệm không thể nào quên! Có khi là những kỷ niệm êm đẹp nhưng cũng có thể là những tháng ngày gian khổ.
Tôi không tài nào quên được vào năm tôi lên 3 tuổi. Năm ấy, nhà tôi bị cháy trụi…
Vào một buổi trưa mùa hè, nắng nóng, ba tôi đang thổi lửa nấu ăn trong bếp bằng lá bạc hà khô, những cơn gió Lào thổi liên tục mang theo hơi nóng đã làm cho bếp lửa cháy lên rừng rực. Không cản được sức gió, như được tiếp thêm dầu, lửa cứ thế bốc cháy lên cao và như bắt gặp được một “vùng đất màu mỡ”, đám lửa trong bếp đã thiêu trụi mái nhà tranh của gia đình tôi. Cũng từ đó, ba mẹ tôi tạm thời chia cách nhau để lo kiếm sống, nuôi con. Ba tôi mang theo tôi vào thành phố Huế sống, còn em gái tôi theo mẹ ở lại quê nhà, sống ở nhờ nhà bà ngoại tôi. 
Bây giờ, tôi ngẫm nghĩ lại những tháng ngày cùng với ba tôi bôn ba khắp vùng đất Cố Đô, tôi mới cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã được cùng với ba mình trải qua những ngày tháng vất vả gian khổ, mai đây mốt đó… Tối đâu cũng là nhà, ngả đâu cũng là giường.
Ba tôi xin được một việc làm tại nhà máy bia Huda Huế, ngày ngày đi làm ba tôi đều chở tôi ngồi sau chiếc xe đạp. Dù làm ở bất cứ nơi đâu, đi đến nơi nào, ba tôi đều đem tôi theo, như hình với bóng, chăm lo cho tôi từng li từng tí một như người mẹ thật thụ. Vì thế mà trong khoảng thời gian đó, tôi sống xa mẹ nhưng có lẽ ba tôi đã làm cho tôi vơi đi nỗi nhớ mẹ! Từ cái áo, cái quần tôi mặc, ba tôi đều chở tôi qua chợ Đông Ba để chọn lựa và mua. Rồi lo tắm rửa, giặc giũ cho tôi, ba tôi làm một cách kỹ lưỡng và thật chu đáo! Có thể nói trong khoảng thời gian đó, ba tôi dốc hết toàn tâm, toàn lực để lo làm việc và chăm sóc, yêu thương tôi rất nhiều.
Đặc biệt nhất, tôi không thể nào quên được những đêm phải cùng ba tôi ngủ ngoài đường phố, lúc thì đến hành lang nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế, có lúc lại ngủ trước cửa nhà thi đấu bên đường. Mặc cho gió lạnh, đêm khuya, ba tôi luôn cố gắng ru tôi giấc ngủ bằng những câu chuyện... Nhà ông bà nội tôi cũng ở Huế, nhưng tôi không hiểu tại sao ông bà tôi lại không đón nhận bố con tôi vào ở trong nhà, có thể vì lý do nào đó mà đến nay tôi vẫn không hiểu hết được. Mỗi đêm, ông bà nội tôi chỉ cho hai bố con tôi trải chiếu và treo mùng ngủ trước hiên nhà, đến sáng sớm lại phải thu dọn mùng màn để đi. Tôi nghĩ lúc đó mình còn nhỏ nên tôi sống quá hồn nhiên, vô tư không biết đến khó khăn là gì? Cũng không biết được ba tôi đã khổ đến chừng nào khi phải cảnh “gà trống nuôi con như vậy”. Ba tôi luôn tạo cho tôi niềm vui, được đầy đủ, vui chơi thoải mái để tôi bớt nhớ mẹ hơn và để ba tôi yên tâm làm việc. 
Cuối cùng, ba tôi cũng xin được trọ trong nhà của người khác, gần chỗ làm việc, nhưng cũng không có phòng ở riêng, chỉ xin trọ qua ban đêm thôi. Cả ngày ba tôi đi làm, đem theo tôi, ăn ngủ cả ngày ở nhà máy. Tối đến thì về chỗ trọ, lại phải ngủ ngoài hành lang. Có đêm, trời mưa to, chỗ ngủ bị dột nước, hai bố con phải thức giấc kéo giường xê dịch lui tới để tránh chỗ ướt. Thời gian cứ thế trôi qua… 
Khoảng ba tháng sau, mẹ tôi mang theo em gái tôi từ nhà quê lên thành phố để tìm hai cha con tôi và cùng trở lại quê nhà, làm lại một ngôi nhà mới thay ngôi nhà đã bị cháy và sống ở mảnh đất Sơn Quả đó cho đến hôm nay.
Thời gian trôi qua thật nhanh, tuổi thơ đã đi vào qua khứ của tôi nhưng đó là quãng thời gian mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất và sống mãi trong lòng tôi, khi tôi được cùng sát cánh bên ba mình trong cuộc sống. Tôi cũng cám ơn Chúa đã sắp đặt cho tôi cuộc sống như vậy, để tôi được lớn lên trong tình thương yêu của ba mình. 

III. Thể loại Video Clip/PowerPoint:

1. Giải Nhất: “Ba Ơi, Ba Là Tất Cả” của tác giả Maria Nguyễn Bảo Thư.

2. Giải Nhì: “Bàn Tay của Bố” của tác giả Lucia Nguyễn Quỳnh Như.

3. Giải khuyến khích: “Công Lao của Cha” của tác giả Tu sĩ Giuse Hoàng Đình Quang.

WGPSG

nguyenthuong.ctxl@gmail.com

0 comments:

Post a Comment